Trẻ em ngồi phía trước có thể khiến dây an toàn chèn ngang cổ, trường hợp ngồi trong nôi sẽ bị túi khí chèn ép khi xảy ra va chạm.
Để trẻ em ngồi ghế trước, hoặc ngồi vào lòng người thân ở ghế trước trong khi lái xe là chuyện không hiếm gặp ở Việt Nam. Hiện pháp luật về giao thông đường bộ Việt Nam không cấm hoặc quy định cụ thể nào về việc trẻ em ngồi ghế phụ hoặc ngồi chung ghế lái, miễn có thắt dây an toàn đầy đủ. Ở nhiều nơi trên thế giới, đây là một trong những việc có thể khiến tài xế bị phạt nặng.
Hàng ghế phía trước là nơi trang bị nhiều túi khí. Khi có va chạm, túi khí bung trong 15–50 mili giây với tốc độ 150-300 km/h, giúp tạo ra lớp đệm tức thời để hấp thụ lực va chạm, sau đó xẹp đi nhanh chóng. Kết hợp cùng với dây an toàn, túi khí có tác dụng giảm thiểu thương vong đáng kể. Tuy nhiên nếu sử dụng sai cách, ví dụ để trẻ em ngồi phía trước, ngồi trong nôi ở phía trước, không thắt dây an toàn, tỷ lệ thương vong có thể tăng đáng kể.
Dây an toàn trong xe vốn không được thiết kế cho trẻ nhỏ. Kích thước cơ thể bé có thể khiến phần dây chéo chắn ngang cổ, chèn ép gây ngạt thở trong trường hợp xảy ra va chạm. Bên cạnh đó, nếu để nôi em bé ở hàng ghế trước, khi xảy ra va chạm túi khí bung mạnh, ép vào nôi, có thể khiến nôi văng, gây nguy hiểm cho em bé ngồi bên trong.
Trong trường hợp để trẻ em ngồi trong lòng tài xế, khi va chạm túi khí sẽ văng ngược vào mặt của bé, trong khi cơ thể của bé bị văng về trước, khiến thương vong nặng nề hơn. Do đó, nhiều quốc gia đã ban hành luật để ngăn chặn tình trạng này.
Tại Mỹ, luật về vị trí ngồi của trẻ em do các tiểu bang tự quy định, nhưng đa phần hạn chế độ tuổi, chiều cao, cân nặng cho các vị trí ngồi và loại ghế trong ôtô. New York quy định trẻ em phải ngồi trong ghế riêng đến khi đủ 8 tuổi, ghế trẻ em phải quay mặt về phía sau ở ghế sau của xe, California không cho phép trẻ dưới 8 tuổi ngồi cạnh ghế lái, bang Delaware là 12 tuổi. Tiền phạt tùy vào mỗi bang, từ vài chục đến vài trăm USD, tăng theo số lần vi phạm.
Anh quy định tài xế phải sử dụng ghế an toàn cho trẻ em cho đến khi đến 12 tuổi hoặc cao 135 cm, tùy theo điều kiện nào đến trước, phải sử dụng ghế an toàn được EU chấp thuận, được cấp phép sử dụng ở Anh.
Australia yêu cầu trẻ em dưới 6 tháng phải dùng ghế an toàn, quay mặt về phía sau ở ghế sau của xe, trẻ em dưới 12 tuổi không được ngồi hàng ghế trước, trẻ em dưới 7 tuổi phải dùng ghế đôn.
Ghế đôn có tác dụng tăng chiều cao khi ngồi, tránh dây an toàn vướng cổ. Với các bé nhỏ hơn, để ghế quay mặt về phía sau có tác dụng ngăn chặn hiện tượng đầu và cổ bị giật mạnh về phía trước, vốn là vị trí rất dễ bị tổn thương ở trẻ em sơ sinh.
Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp đặc biệt được để nôi trẻ em ở hàng ghế trước, ví dụ như xe không có hàng ghế sau, nhưng bắt buộc chủ xe phải vô hiệu hóa hệ thống túi khí ở bên phụ, thông qua một nút bấm bên trong xe. Ở Mỹ vào năm 2000, Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia (NHTSA) đưa ra yêu cầu các xe bán ra phải có hệ thống tắt túi khi bên phụ tự động, khi phát hiện có trẻ em ngồi ở vị trí này (thông qua cảm biến đo cân nặng), hoặc cho phép tài xế vô hiệu quá qua nút bấm. Thông báo túi khí bên phụ bị vô hiệu hóa sẽ xuất hiện ở vị trí dễ nhìn nhất trong suốt thời gian này. Tại thị trường Việt Nam, rất ít xe trang bị nút bấm vô hiệu hóa túi khí.
Như vậy, để trẻ em ngồi trong lòng, ở hàng ghế phụ, thắt dây an toàn chắn ngang cổ các bé, không thắt dây an toàn, hoặc để ghế trẻ em ở ghế phụ là những việc làm nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của tất cả những người ngồi trên xe. Do đó tài xế nên trang bị ghế/đôn trẻ em theo độ tuổi, để ghế ở phía sau, thắt dây an toàn đúng cách để luôn đảm bảo an toàn trong khi lưu thông.