Kinh nghiệm kiểm tra xe ô tô chuẩn bị cho các chuyến đi

Ngay cả khi xe được bảo dưỡng định kỳ đầy đủ, việc kiểm tra xe ô tô trước những chuyến đi dài vẫn là một khâu chuẩn bị hết sức quan trọng mà người lái không nên bỏ qua.

Việc kiểm tra xe ô tô trước khi đi xa cẩn thận, kỹ càng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và mang tới sự an tâm cho người trên xe. Vậy có những hạng mục bảo dưỡng, bổ sung hoặc thay mới cho xe ô tô nào cần chú ý khi chuẩn bị cho những hành trình dài sắp tới?

Hướng dẫn kiểm tra xe ô tô trước khi đi xa

Để sẵn sàng cho những chuyến đi đường dài, người lái cần bảo đảm tất cả các bộ phận trên xe hoạt động bình thường, ổn định, đặc biệt là những hệ thống quan trọng có thể kể đến như động cơ, phanh xe, ắc quy, các loại đèn, gương chiếu hậu, điều hòa và lọc gió,…

Kiểm tra lốp xe ô tô

Lốp xe ô tô là một trong những hạng mục cần kiểm tra kỹ càng nhất trước những chuyến đi xa. Bên cạnh việc đảm bảo bơm lốp đúng áp suất chuẩn, không bị non hơi, nếu thấy chiều cao của hoa lốp chạm mức chỉ báo mòn (TWI – tread wear indicators) trên lốp xe, người dùng nên thay lốp mới cho xe. Điều này sẽ giúp hạn chế tình trạng lốp xe bám đường kém khi di chuyển, đặc biệt trong tình trạng thời tiết xấu hay trên những địa hình gập ghềnh.

Lốp xe ô tô cần được thường xuyên bảo dưỡng

Bên cạnh đó, khi chăm sóc và bảo dưỡng lốp xe, người dùng cần chú ý tới tình trạng lốp mòn không đều hay những tiếng ồn từ lốp xe ô tô do bánh xe bị lệch. Sau mỗi 100.000 km sử dụng, chủ phương tiện có thể mang xe tới các trung tâm bảo hành ô tô để cân bằng động cho bánh xe.

Kiểm tra hệ thống đèn và gương xe

Hệ thống chiếu sáng trên xe ô tô bao gồm 3 loại: đèn hiển thị, đèn thông báo và đèn cảnh báo. Trong đó, đèn hiển thị (đèn pha, đèn cốt, đèn báo rẽ, đèn sang số,…) và gương chiếu hậu cần được kiểm tra đầu tiên để hỗ trợ tầm nhìn xung quanh xe và báo hiệu cho các phương tiện cùng chiều, ngược chiều trong quá trình tham gia giao thông trên đường.

Với đèn thông báo và đèn cảnh báo, đây là những cụm đèn nhằm cung cấp tình trạng hoạt động của các chức năng trên xe như túi khí và bộ căng đai khẩn cấp, đèn báo hệ thống nhắc cài dây đai an toàn, đèn báo hệ thống điện và điện tử, đèn báo lỗi,… Người lái chỉ cần khởi động xe và theo dõi đèn hiển thị trên bảng táp lô. Nếu ngay sau khi bật khóa khởi động xe mà đèn không sáng (đỏ/vàng/xanh lá cây) hoặc sáng liên tục không tắt khi xe khởi động, nhiều khả năng chức năng đó gặp trục trặc và không thể kích hoạt.

Kiểm tra nước làm mát động cơ

Trong quá trình hoạt động, động cơ ô tô sản sinh ra lượng nhiệt rất lớn và nếu duy trì mức nhiệt này trong thời gian dài, hệ thống sẽ không thể hoạt động ổn định. Khi đó xe sẽ được trang bị nước làm mát để hấp thụ lượng nhiệt này, giữ động cơ luôn ở mức nhiệt ổn định. Nếu bình không chứa đủ lượng nước cần thiết, xe ô tô dễ gặp phải tình trạng động cơ quá nhiệt.

Xe đi đường xa cần được kiểm tra và bổ sung nước làm mát động cơ thường xuyên

Trước mỗi chuyến đi, người dùng có thể tự kiểm tra và bổ sung nước làm mát động cơ ô tô tại nhà hoặc mang xe tới các trung tâm bảo dưỡng. Khi thấy mực nước này chạm vạch MIN (hoặc vạch LOW) của bình chứa, người dùng nên châm thêm dung dịch làm mát, đảm bảo xe vận hành trơn tru.

Kiểm tra hệ thống ắc quy ô tô

Với những dòng ắc quy ô tô không cần châm nước, không cần bảo dưỡng hay thay mới, người dùng chỉ cần chú ý bảo quản bình sạch sẽ, khô ráo, sạc đầy bình và theo dõi quá trình khởi động của xe để đề phòng trục trặc. Còn với những xe sử dụng ắc quy cần châm nước hoặc thay mới sau 4-5 năm, cần chú ý đến mực nước trong bình ắc quy, thời gian thay và khả năng vận hành của ắc quy, khách hàng có thể mang xe tới các trung tâm bảo dưỡng ô tô để được tư vấn chi tiết.

Kiểm tra dầu động cơ, dầu hộp số

Dầu động cơ và dầu hộp số là hạng mục cần được bảo dưỡng, kiểm tra thường xuyên, đặc biệt là trước những hành trình dài nhằm đảm bảo hệ thống hoạt động trơn tru và hiệu quả. Việc định kỳ kiểm tra dầu động cơ còn giúp các chi tiết máy giảm ma sát, từ đó góp phần tiết kiệm nhiên liệu và tăng tuổi thọ của xe.

Kiểm tra xe ô tô và bổ sung dầu động cơ giúp xe hoạt động trơn tru

Thông thường, sau khoảng từ 8.000 km cho tới 9.000 km hoặc sau 12 tháng sử dụng, người dùng cần kiểm tra xe ô tô tổng quát và thêm dầu cho động cơ. Với những xe có trang bị hệ thống cảnh báo mức dầu tự động, người dùng có thể dựa vào chỉ báo dầu để nắm được thời điểm cần tra thêm nhiên liệu. Với dầu hộp số tự động và dầu vi sai cũng như một số loại dầu ô tô khác, sau mỗi 100.000km sử dụng, người lái nên tới các trung tâm bảo dưỡng để kiểm tra và bổ sung.

Kiểm tra hệ thống lái và dầu trợ lực lái

Khi thấy những dấu hiệu bất thường trong quá trình di chuyển như: tay lái trở nên nặng, khó điều khiển, tốc độ trả chậm, vành bị rơ (trễ nhịp khi đánh lái),… người dùng cần nhanh chóng mang xe tới các trung tâm bảo dưỡng để kiểm tra lỗi hệ thống lái và tra dầu trợ lực lái. Không nên cố gắng chạy xe khi hệ thống lái gặp trục trặc, đặc biệt là khi di chuyển trên những hành trình dài. Bởi điều này không chỉ ảnh hưởng đến cảm giác lái, khiến chủ phương tiện không thoải mái khi lái xe mà còn làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.

Kiểm tra hệ thống phanh

Phanh xe liên quan chặt chẽ tới khả năng vận hành an toàn, do đó, trước mỗi chuyến đi xa, người dùng cần kiểm tra kỹ càng toàn bộ hệ thống này . Để phòng tránh những hư hỏng phanh ô tô thường gặp, cần chú ý tới độ mòn của các chi tiết như má phanh, đĩa phanh, độ nặng hoặc độ nhạy khi đạp phanh, độ lệch (trái/phải) của xe hay những tiếng kêu bất thường khi thắng xe.

Phanh là một trong những hạng mục bảo dưỡng ô tô quan trọng

Ngoài ra, để xe bắt phanh hơn, người dùng cần tra thêm dầu sau mỗi 24 tháng sử dụng. Nên tới những trung tâm bảo dưỡng chuyên nghiệp để được kiểm tra toàn bộ hệ thống phanh một cách đầy đủ nhất.

Kiểm tra nước rửa kính và cần gạt nước

Người dùng nên kiểm tra mực nước rửa kính xe bằng cách mở khoang động cơ và tìm bình chứa nước rửa kính. Với cần gạt nước, nên vệ sinh bụi bẩn bám trên lưỡi gạt và kiểm tra khả năng đang hoạt động hay không cũng như nhận biết sớm những dấu hiệu cần gạt nước gặp vấn đề để kịp thời sửa chữa.

Một số lưu ý khi bảo dưỡng xe đi đường xa thường xuyên

Với những xe đi đường xa nhiều hoặc di chuyển trên những địa hình gập ghềnh, đèo dốc, việc chăm sóc và kiểm tra cần được thực hiện thường xuyên hơn so với mốc thời gian bảo dưỡng xe ô tô mà nhà sản xuất khuyến nghị. Với những hạng mục quan trọng như động cơ xe, lốp xe, hệ thống phanh, hệ thống làm mát,… nên kiểm tra tổng quát từ 4-6 tháng/lần tùy theo tần suất sử dụng.

Xe đi đường xa thường xuyên nên kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ tại các trung tâm, xưởng dịch vụ

Ngoài ra, người dùng nên thường xuyên vệ sinh nội thất, ngoại thất xe, làm sạch hệ thống sàn xe, khoang xe, đệm ghế,… giữ không khí trong cabin được thông thoáng, sạch sẽ, đảm bảo sức khỏe cho hành khách.

 

Bài viết liên quan